Ở khối doanh nghiệp Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang rút vốn bất động sản mạnh mẽ do áp lực thoái vốn ngoài ngành. Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh tháng 6/2014, EVN đã gần như hoàn thành kế hoạch thoái vốn Công ty Đầu tư xây dựng Điện lực Việt Nam, Bất động sản Sài Gòn Vina, Bất động sản Điện lực miền Trung.
Trong khi đó, sau hơn một năm kể từ ngày ra đời (ngày 19/8/2013) Công ty An Phú - đóng vai trò là công ty xử lý nợ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã bán sỉ và lẻ hàng loạt dự án tại TP HCM, thu về hàng nghìn tỷ đồng. Đầu quý II/2014, Dự án Đông Nam nằm tại Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP HCM quy mô gần 35,3 ha đã được An Phú chuyển nhượng lại cho Công ty Him Lam trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong buổi mở bán đợt cuối dự án Minh Tuấn tại quận 9, TP HCM diễn ra đầu tháng 9, Chủ tịch Công ty An Phú, Lê Hùng tiết lộ với VnExpress.net: "Tính đến quý III/2014, chúng tôi đã và đang đàm phán bán khoảng 6 dự án". Ông Hùng từ chối tiết lộ tên các dự án này cũng như tổng nguồn thu vì doanh nghiệp đang trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên ông xác nhận các khoản thu từ việc bán dự án sẽ được An Phú ưu tiên trả khoản nợ đã vay từ công ty mẹ HAGL (3.083 tỷ đồng).
Một dự án căn hộ nằm trong diện thoái vốn được chủ đầu tư mới chào bán trên thị trường với giá rẻ hơn khoảng 30% so với giá gốc của chủ đầu tư cũ. Ảnh: H. T
Xác định phải tái cơ cấu lại nguồn vốn trong năm 2014 để giảm bớt tỷ lệ nợ vay, Công ty Vạn Phát Hưng cũng lập kế hoạch bán bớt tài sản. Hôm 26/8, Vạn Phát Hưng đã báo cáo Sở giao dịch chứng khoán TP HCM về việc chuyển nhượng cho Công ty An Gia khối 5 dự án La Casa với giá hơn 73 tỷ đồng. Ngoài ra doanh nghiệp cũng đang đàm phán chuyển nhượng một phần đất dự án Nhơn Đức (30 hecta) cho hai trường đại học để giảm áp lực tài chính.
Trên thị trường cũng không thiếu doanh nghiệp đang nỗ lực thoái vốn bất động sản nhưng vẫn còn loay hoay chưa tìm được đầu ra. Điển hình là Công ty cổ phần Thế kỷ 21 (C21) lên kế hoạch năm nay chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Phước Long (Khu B), quận 9, TP HCM và hàng loạt dự án bất động sản du lịch tại Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Nam. C21 cũng dự kiến kêu gọi hợp tác đầu tư hoặc bán cả dự án căn hộ - văn phòng trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP HCM.
Một dự án phức hợp cũng nằm trong diện bị thoái vốn, chủ đầu tư bán một phần để cơ cấu lại dòng tiền . Ảnh phối cảnh
Theo ông Huy, các doanh nghiệp thoái vốn bất động sản thường rơi vào một trong các trường hợp: chủ đầu tư cũ muốn tìm cơ hội đầu tư mới hoặc không đủ sức cạnh tranh trong ngành này, thiếu vốn, thiếu kênh phân phối, định vị sản phẩm sai... "Tùy mức độ và tình huống cụ thể mà quá trình thoái vốn sẽ diễn ra nhanh hay chậm nhưng những dự án vị trí tốt, định vị sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường thường dễ thoái vốn hơn", ông Huy đánh giá.
Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Thăng Long, Lê Vũ Tuấn Anh nhận xét: "Thoái vốn bất động sản là tốt hay xấu phải xét đến từng hoàn cảnh cụ thể nhưng nhìn chung đây là chuyển động tích cực. Thoái vốn có thể thúc đẩy thị trường giải quyết hàng tồn, giải thoát cho chủ đầu tư đang bế tắc, khơi thông dòng vốn".
Theo ông Tuấn Anh, có thể chia doanh nghiệp đang thoái vốn bất động sản thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất có tiềm lực mạnh mẽ, quỹ đất nhiều, có thể bán giá nào cũng không bị lỗ. Họ thoái vốn chỉ để tạo thêm dòng tiền, săn tìm cơ hội mới. Nhóm thứ hai tiềm lực kém, tài chính yếu, không có cơ hội kiếm lời, cầm chắc kịch bản thua lỗ và đang nợ ngân hàng. Họ thoái vốn để cắt lỗ và trả bớt nợ.
Một số doanh nghiệp thoái vốn vì đầu tư dàn trải. Đa số đơn vị làm trái ngành nhảy vào bất động sản trong điều kiện vốn chưa đủ mạnh nên khi thị trường khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp này sẽ phải thoái vốn bằng mọi giá. "Cuộc đua này vì thế sẽ mạnh mẽ và khốc liệt vào cuối năm khi các khoản nợ, dòng tiền đến thời gian đáo hạn", ông Tuấn Anh dự báo.
Nguồn: Vnexpress
Post a Comment
Trước khi comment mời bạn đăng ký theo dõi để chở thành thành viên của blog. Cám ơn bạn đã quan tâm và đã comment, Tôi sẻ reply... Chúc bạn ngày làm việc vui vẻ và thành công !