0

Nhiều tháng nay, sông A Vương đoạn qua huyện Tây Giang (Quảng Nam) bị hàng chục xe múc đào bới, cày nát để tận thu vàng. Việc khai thác vàng được che đậy bởi các vỏ bọc dự án nuôi lợn siêu nạc, khai hoang cải tạo ruộng đồng.

lap-du-an-de-tan-pha-long-song-lay-vang

Doanh nghiệp công khai đào bới vàng nhờ "vỏ bọc" dự án. Ảnh: Tiến Hùng.

Trước đó giữa năm 2014, UBND huyện Tây Giang cấp phép dự án chỉnh dòng sông A Vương và san lấp mặt bằng để xây dựng trang trại nuôi lợn siêu nạc tại xã A Tiêng. Dự án được giao Phòng Nông nghiệp huyện làm chủ đầu tư và thực hiện. Tuy nhiên, đến nay các phu vàng đã cày xới, khai thác hết khoáng sản tại khu vực này và bỏ đi mà chưa hề xây dựng trang trại nào.

“Bình đồ quy hoạch” đang được treo tại khu vực thi công với nội dung chủ đầu tư là Phòng Nông nghiệp huyện Tây Giang. Thế nhưng lãnh đạo cơ quan này lại không hề hay biết sự tồn tại của dự án. “Trang trại nuôi heo dưới lòng sông à. Ai lại đi lập trang trại dưới lòng sông kia chứ. Mùa lũ nước sông A Vương cuồn cuộn chảy. Trang trại nào nằm dưới đó trụ cho nổi”, vị lãnh đạo nói.

Tương tự, trung tuần tháng 4/2015, UBND huyện Tây Giang lập phương án khai hoang, cải tạo đồng ruộng, thủy lợi kết hợp tận thu khoáng sản tại xã Lăng. Đến tháng 9/2015, dự án được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt cho Công ty TNHH Đầu tư lâm nông nghiệp Việt Nam thực hiện. Dự án thuộc khu vực đang sinh sống và trồng trọt của đồng bào dân tộc Cơ Tu với tổng diện tích gần 16 ha. Tỉnh Quảng Nam cho phép công ty này được khai thác hơn 30 kg vàng sa khoáng trong vòng 14 tháng...

lap-du-an-de-tan-pha-long-song-lay-vang-1

Các máy lọc vàng dưới sông A Vương. Ảnh: T.H.

Mục tiêu của dự án là khai thác triệt để diện tích hoang hóa tại khu vực mặt bằng dân cư để bố trí đất sản xuất, nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của người dân về đất nông nghiệp, đặc biệt là đất sản xuất lúa nước. Cách triển khai là hạ thấp độ cao và san lấp để tạo các thửa ruộng bậc thang.

Thực tế, chỉ ít tháng sau khi được cấp phép, khu vực này trở thành một bãi khai thác vàng. Đất đá được múc từ lòng sông đổ vào các bồn lọc đãi vàng, sau đó chất thành đống. Việc tàn phá biến hàng chục km sông A Vương từ đó về đến hạ lưu đục ngầu màu đất đỏ. Con sông là nguồn sống của người dân lân cận bao đời nay, nhưng giờ trở thành nỗi ám ảnh khi nước đổi màu, cá chết.

“Trước đây, hàng ngày người dân thường ra sông tắm giặt, bắt con tôm, con cá kiếm sống. Vậy mà mấy tháng nay không ai dám ra đây tắm giặt chứ đừng nói là bắt cá. Nước sông đỏ ngầu, bùn non quánh lại từng lớp, hóa chất độc hại chảy lênh láng...”, bà Clâu Thị Giáp, trưởng thôn Jơ Da (xã Lăng), nói và tỏ ra lo ngại cho dân làng khi nguồn nước đang bị ô nhiễm do khai thác vàng trong khi dự án thì vẫn không thấy đâu.

lap-du-an-de-tan-pha-long-song-lay-vang-2

Các "dự án ma" đang khiến cho dòng sông A Vương bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Tiến Hùng.

Thừa nhận tình trạng tận thu vàng diễn ra “vượt mức cho phép”, ông Zơ Râm Buôn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Giang, cho rằng do công ty thực hiện dự án và đối tác không làm đúng quyết định của UBND tỉnh. “Đơn vị thi công chưa thực hiện nghiêm túc việc đào hố, tạo rãnh mương, bể chứa nước thải. Chúng tôi không thể gặp được họ mà chỉ gặp công nhân trên công trường. Chính vì vậy, khi đề nghị họ dừng và không khai thác ngoài vị trí của dự án thì họ thực hiện không nghiêm túc”, ông Buôn phân trần.

Tiến Hùng

This entry passed through the Full-Text RSS service - if this is your content and you're reading it on someone else's site, please read the FAQ at http://ift.tt/jcXqJW.

Post a Comment

Trước khi comment mời bạn đăng ký theo dõi để chở thành thành viên của blog. Cám ơn bạn đã quan tâm và đã comment, Tôi sẻ reply... Chúc bạn ngày làm việc vui vẻ và thành công !

 
Top