0
Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam sử dụng Facebook làm kênh truyền thông và kinh doanh hiệu quả, nhưng không ít đã "nướng tiền" một cách vô ích.

Rất nhiều doanh nghiệp khi trao đổi với các đại lý quảng cáo (agency) đều không khỏi bối rối khi được hỏi về mục tiêu sử dụng Facebook. Lúc thì họ muốn quảng bá thương hiệu, lúc cần tăng doanh số, khi lại để mở rộng thị trường... thậm chí là chạy theo xu hướng mà không hề biết việc đó cần thiết như thế nào với ngành hàng của mình.

Anh Minh Hoàng, Trưởng phòng marketing của một doanh nghiệp bán đồ điện máy cho hay:  “Những ngày đầu, chúng tôi lựa chọn Facebook vì thấy kênh công cụ này nhiều người dùng quá, quảng bá ít nhiều cũng tới được đối tượng mục tiêu. Nhưng sau một thời gian, lượng người theo dõi thì có nhưng doanh số bán hàng không tăng, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ lại và lựa chọn kênh công cụ khác để giới thiệu sản phẩm của mình”.

Lượng truy cập Facebook đã chạm mốc một tỷ, nhưng không phải ngành hàng nào cũng có thể tiếp cận đối tượng khách hàng rộng lớn này. Với những ngành có đối tượng rộng như nhãn hàng thời trang, thực phẩm, đồ uống, giáo dục... Facebook giúp truyền tải khá hiệu quả vì gần gũi với nhu cầu đời sống thường ngày. Hoặc kể cả ngành hàng xa xỉ vẫn có thể sử dụng Facebook nếu nó được dùng với mục đích tạo nên giá trị cộng đồng, tăng độ trung thành của khách hàng, là nơi chia sẻ những cảm xúc của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sẽ là bất khả thi nếu doanh nghiệp chỉ chăm chăm vào việc thu lợi nhuận từ Facebook.
Gloria Jean's Coffees từng bị cộng đồng mạng tẩy chay vì cho rằng quảng cáo mang tính chất phân biệt, kỳ thị với những phụ nữ có chiều cao khiêm tốn.
Nguyễn Hữu Anh, nhân viên truyền thông số Công ty Climax chia sẻ: “Facebook fanpage nên được xem là nơi để doanh nghiệp xây dựng cộng đồng, gắn kết người dùng và thương hiệu. Điều này không mang đến lợi ích hữu hình ngay trước mắt mà cần thời gian lâu dài. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể nghĩ về doanh số và lợi nhuận từ fanpage, nhưng không nên xem nó như tôn chỉ để vận hành. Một khi người dùng hay khách hàng cảm thấy bị lợi dụng, hoặc trục lợi quá rõ ràng, họ sẵn sàng quay lưng với thương hiệu, với doanh nghiệp đó”.

Đừng nghĩ rằng thế giới “ảo” thì mọi thứ có thể “ảo”, đặc biệt là mạng xã hội có tốc độ lan truyền thông tin như Facebook. Một số doanh nghiệp đã vướng vào những rắc rối khi không kiểm tra nội dung kỹ lưỡng trước khi chúng được đăng tải trên trang fanpage của mình.

Công ty R.B tại Việt Nam – một doanh nghiệp kinh doanh dụng cụ điện cầm tay đã từng một phen hú vía khi sử dụng câu chữ thuộc bản quyền của World Cup. Nguyên nhân là agency của họ đã tự ý thêm chữ FIFA vào trong tên của một trò chơi trên fanpage, mà doanh nghiệp này không hề kiểm tra trước khi nó được truyền ra ngoài. Rất may, R.B đã kịp chỉnh sửa, không gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo anh Nguyễn Thanh Lanh, nhân viên marketing Công ty truyền thông Nam Hương, thông thường các thông tin trước khi được đăng, công ty đều phải đưa qua cho khách hàng duyệt trước để tránh sai sót. Nhưng một số khách hàng vẫn thường tự động post (đăng tải) thông tin của họ trên fanpage khi có thông tin cần thiết. Tuy nhiên, xét về mặt kỹ thuật, nếu một fanpage đăng tải quá nhiều thông tin cùng một ngày, thông tin chính của họ có thể bị người dùng Facebook xao nhãng.

Anh Lanh còn cho biết thêm, người dùng Facebook rất chuộng xem ảnh nên các doanh nghiệp cũng thường tập trung vào mảng này. Tuy nhiên, các fanpage doanh nghiệp lớn rất dễ bị “tuýt còi” nếu như sử dụng nguồn ảnh trái phép. Nhiều công ty phải đầu tư cả một đội thiết kế để làm ảnh, hoặc mua những nguồn ảnh làm nội dung cho trang.

Bên cạnh những công ty có khả năng chi tiền cho các công ty dịch vụ chăm sóc fanpage, không ít doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực tự có. Nghĩa là họ tự thân đưa ra các nội dung đăng tải. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ về nội dung. Vì trên thế giới, thậm chí cả Việt Nam, đã không ít những vụ lùm xùm tranh chấp về tiêu chí trao giải cuộc thi online, hoặc có những phát ngôn phản cảm, xúc phạm đến một bộ phận nào đó trong cộng đồng, gây ảnh hưởng đến hình ảnh công ty và những lợi ích lâu dài về sau.

Gloria Jean's  Coffees, nhãn hiệu cà phê đã từng bị cộng đồng tẩy chay khi chạy một chiến dịch khuyến mãi xuất phát từ Facebook năm 2012 có nội dung "Uống 1 tặng 1 dành cho phụ nữ từ 1m65 trở lên". Dù sau đó nhãn hiệu này đã đăng tải lời xin lỗi và xóa đi hình ảnh của chương trình đó, thông tin lan truyền đã khiến độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu này giảm đi đáng kể.

“Nhập gia tùy tục”. Facebook giống như một cuộc chơi và muốn thắng trận thì đòi hỏi người dùng phải nắm rõ và tuân theo nguyên tắc. Những doanh nghiệp làm trái nguyên tắc sẽ chịu phạt, thậm chí bị nhấn nút “game over”.

Tháng 12/2012, cộng đồng facebook đã chứng kiến “ngày đen tối” khi nhiều fanpage bị Facebook đóng cửa, trong đó có cả các trang của các doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm, đồ uống. Nguyên nhân là khi áp dụng thuật toán mới, nhiều trang fanpage có số lượng fan cao được xem là kém hữu dụng đối với người dùng vì nội dung quảng cáo quá nhiều và làm phiền người dùng Facebook.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không nắm rõ thông tin này, vẫn quan niệm rằng một fanpage hiệu quả là có nhiều lượt “like”, mà không hề biết một số agency làm việc không chuyên vẫn có các chiêu trò gia tăng lượng like ảo hằng ngày. Kết quả là các doanh nghiệp mặc sức đổ tiền cho các agency chỉ để thu về lượng người dùng ảo, không đúng với đối tượng khách hàng. Theo một chuyên gia thương hiệu, bản chất của một cộng đồng là thảo luận và chia sẻ. Việc sử dụng “like” ảo sẽ khiến doanh nghiệp tự giết chính mình, vì một cộng đồng có nhiều người nhưng không có sự chia sẻ thì chẳng khác gì một cộng đồng chết.

“Chơi với bạn thì hiểu tính bạn, hãy xem Facebook như một người bạn và nắm 'tính tình' của nó. Đặc biệt, khi những doanh nghiệp chi tiền đầu tư cho kênh công cụ này cần nắm rõ xu hướng, hành vi người dùng Facebook, thuật toán để có sự quản lý và phối hợp chặt chẽ với các công ty dịch vụ. Có như thế, doanh nghiệp mới không quăng tiền qua cửa sổ”, vị chuyên gia này nhận định.

Post a Comment

Trước khi comment mời bạn đăng ký theo dõi để chở thành thành viên của blog. Cám ơn bạn đã quan tâm và đã comment, Tôi sẻ reply... Chúc bạn ngày làm việc vui vẻ và thành công !

 
Top