0

TP HCMKhi hết hạn thuê đất, khu chế xuất Tân Thuận rộng hơn 300 ha sẽ là nơi thu hút các dự án công nghệ cao, không chuyển đổi thành đất ở, thương mại, dịch vụ.

Thông tin được ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý các khu chế xuất - công nghiệp TP HCM (Hepza) cho biết sáng 24/1, khi đề cập định hướng của thành phố đối với quỹ đất công nghiệp trong thời gian tới. "Thành phố sẽ giữ lại tất cả quỹ đất công nghiệp, chỉ chuyển đổi ngành nghề, không xóa bỏ hay chuyển đổi làm khu dân cư, nhà ở, thương mại", ông Hưng nói.

Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, tháng 12/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, tháng 12/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Tân Thuận là khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam, thành lập năm 1991, ở phường Tân Thuận Đông, quận 7. Nơi đây giáp sông Sài Gòn, cách quận 1 khoảng 5 km. Khu có gần 70% doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công sản xuất truyền thống. Hiện, 195 ha đất tại đây được dùng để xây nhà máy, kho. Khu chế xuất sẽ hết hạn thuê đất vào ngày 23/9/2041.

Ngoài vai trò là mô hình công nghiệp kiểu mẫu, Tân Thuận giữ vị trí quan trọng của kinh tế TP HCM. Cuối năm 2021, khu chế xuất thu hút 233 dự án đầu tư đến từ 25 quốc gia, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 2,1 tỷ USD, đang tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động.

Trước đó, UBND quận 7 đề xuất khi hết hạn thuê đất, thành phố cho chuyển đổi ngành công nghiệp truyền thống tại khu chế xuất Tân Thuận sang phát triển công nghệ cao, xen kẽ đất ở, dịch vụ thương mại...

Theo lãnh đạo Hepza, thời gian qua một số doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận đã chuyển đổi theo hướng phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ cao của thành phố. Khi hết hợp đồng thuê đất, nếu doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục, Hepza và sở, ngành sẽ hỗ trợ chuyển đổi phù hợp tiêu chí của thành phố.

Khu chế xuất Tân Thuận gần trung tâm TP HCM và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồ họa: Khánh Hoàng

Khu chế xuất Tân Thuận gần trung tâm TP HCM và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồ họa: Khánh Hoàng

Cùng với Tân Thuận, trong năm nay, Hepza sẽ thí điểm chuyển đổi thêm 4 khu công nghiệp Hiệp Phước, Cát Lái, Bình Chiểu và Tân Bình. Trong đó, Cát Lái sẽ chuyển đổi thành trung tâm logistics, Bình Chiều trở thành khu nhà xưởng cao tầng... Các khu công nghiệp còn lại cũng đã có định hướng chuyển đổi trong đề án phát triển các khu công nghiệp ở TP HCM.

Hepza và Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cũng đang xây dựng các tiêu chí và chính sách hỗ trợ của thành phố để doanh nghiệp đổi mới. Cụ thể, Sở Khoa học công nghệ sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì giúp doanh nghiệp di dời và đào tạo lại lao động sẽ do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phụ trách.

TP HCM hiện có 17 trong tổng số 19 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lắp đầy gàn 80%, sử dụng hơn 252.000 lao động. Theo định hướng, các khu chưa cho thuê đất sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư theo định hướng mới. Ở những khu đang hoạt động, thành phố sẽ có phương án tài chính hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hoặc di dời để thúc đẩy quá trình chuyển đổi.

Lê Tuyết

Adblock test (Why?)

Post a Comment

Trước khi comment mời bạn đăng ký theo dõi để chở thành thành viên của blog. Cám ơn bạn đã quan tâm và đã comment, Tôi sẻ reply... Chúc bạn ngày làm việc vui vẻ và thành công !

 
Top