0

Quảng NamĐể hoàn thành linh vật rồng, thợ gốm phải mất một tuần làm phôi, hai tuần vẽ mắt, mũi, râu, miệng..., nhiều chi tiết phải phá đi làm lại vài lần.

Những ngày cuối năm Quý Mão, anh Lê Văn Nhật, 35 tuổi, chủ cơ sở gốm ở làng Thanh Hà, TP Hội An, đang hoàn tất hai tượng rồng quấn quanh lùng binh (bình bỏ tiền tiết kiệm) bằng đất sét. Đây là lần thứ hai anh làm linh vật trưng bày đón năm mới Giáp Thìn 2024 tại làng gốm Thanh Hà. Năm trước anh làm tượng mèo.

Anh Lê Văn Nhật đang hoàn thành tượng rồng. Ảnh: Sơn Thủy

Anh Lê Văn Nhật đang hoàn thành tượng rồng quấn quanh lùng binh. Ảnh: Sơn Thủy

Sinh ra trong gia đình làm nghề gốm, 15 tuổi, anh Nhật đã nhào nặn đất sét chế tác đồ. Khi TP Hội An phát triển du lịch, anh mở cơ sở tại nhà và hiện là thợ gốm trẻ nhất làng. Từng làm nhiều con vật, nhưng rồng là lần đầu tiên anh chế tác. "Rồng có trong truyền thuyết, chưa thấy thực tế nên rất khó làm. Để chọn mẫu rồng có thần thái, tôi lên mạng tìm kiếm hình ảnh và in ra giấy", anh kể.

Tháng 12/2023, anh Nhật lấy đất sét nhào nặn, tạo khuôn khổ lùng binh cao 70 cm, đường kính 55 cm và rồng quấn quanh dài 2 m. Lùng binh và thân rồng đều làm rỗng, đục nhiều lỗ, mục đích là khi đưa vào lò nung sẽ không bị nứt hoặc nổ.

So với các linh vật khác, rồng có nhiều chi tiết nhỏ như râu, chân, móng, răng, đòi hỏi thợ phải nhẫn nại, tỉ mỉ. Nhiều chi tiết anh Nhật phá đi làm lại vài lần mới ưng. "Sau khi ra khuôn, tượng nhanh khô. Trong khi làm tượng rồng mất nhiều ngày, đất khô không thể làm. Tôi phải che chắn để giữ ẩm đất", anh nói.

Anh Nhật dự tính mất khoảng 20 ngày để hoàn thành cặp linh vật này.

Anh Nhật tỉ mẩn chế tác đầu rồng. Ảnh: Sơn Thủy

Anh Nhật tỉ mẩn chế tác đầu rồng. Ảnh: Sơn Thủy

Cũng tham gia chế tác tượng rồng cho làng gốm Thanh Hà, anh Nguyễn Văn Hoàng, 40 tuổi, làm hai con rồng dáng nằm dài 90 cm, đầu ngẩng cao 55 cm. Để hoàn thành mỗi sản phẩm, anh mất một tuần làm phôi, hai tuần nặn, vẽ chi tiết và cho vào nung.

Phần khó nhất chính là đầu rồng. Đây được xem là linh hồn của sản phẩm, tập trung nhiều chi tiết như mắt, mũi, râu, miệng, sừng... "Riêng phần mắt, tôi bỏ ra hơn hai ngày. Từng đường nét, bộ phận cần sắc sảo, tạo nên vẻ cao quý, uy quyền của linh vật rồng", anh Hoàng kể.

Ngoài anh Nhật, Hoàng, thợ gốm còn lại làm hai tượng rồng. Dự kiến ngày 25/12 âm lịch, 6 tượng rồng được trưng bày tại làng Thanh Hà. Công việc này cho thu nhập chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với nghề khác, nhưng anh Nhật nói không đặt nặng tiền bạc mà muốn "thổi hồn vào gốm".

Anh Nguyễn Văn Hoàng đang hoàn thành tượng rồng. Ảnh: Sơn Thủy

Anh Nguyễn Văn Hoàng đang hoàn thành tượng rồng dáng nằm. Ảnh: Sơn Thủy

Ban Quản lý làng gốm Thanh Hà cho biết 6 tượng rồng sẽ được trưng bày xung quanh làng gốm để chào đón năm mới. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng, chụp hình với con giáp của năm 2024.

Làng gốm Thanh Hà nằm bên dòng sông Thu Bồn, cách trung tâm TP Hội An khoảng 3 km về phía tây. Đây là địa điểm tham quan đặc trưng ở Hội An, với hơn 500 năm hình thành và phát triển.

Sơn Thủy

Adblock test (Why?)

Post a Comment

Trước khi comment mời bạn đăng ký theo dõi để chở thành thành viên của blog. Cám ơn bạn đã quan tâm và đã comment, Tôi sẻ reply... Chúc bạn ngày làm việc vui vẻ và thành công !

 
Top